Tĩnh Khang chi biến Sự_kiện_Tĩnh_Khang

Lấy cớ triều Tống bội ước, quân Kim nhanh chóng tấn công lần nữa. Quân Kim lại vây Thái Nguyên. Tháng 5 âm lịch năm 1126, Chủng Sư Trung giao chiến với người Kim ở huyện Du Thứ và tử trận, Khâm Tông cho Diêu Cổ và Lý Cương đến giải vây Thái Nguyên. Người Kim thừa thắng tấn công Bình Đà, Diêu Cổ lui về Long Đức. Lý Cương được tin, giáng chức Diêu Cổ, phong Giải Tiền làm chế trí sứ, đóng quân ở Hà Dương, chuẩn bị xe chiến, ngựa chiến rồi tiến ra Hà châu chống giặc. Tuy nhiên do các tướng dưới quyền chậm chạp lười biếng, nên các cánh quân đầu thất bại dưới tay người Kim. Nhà Tống được tin thua trận, bèn bãi chức Lý Cương, dùng Chủng Sư Đạo thay thế, đó là vào tháng 8 âm lịch. Phe chủ hòa lại nổi lên, xin cắt ba trấn cho người Kim.

Tháng 9 âm lịch, Niêm Một Hát đánh mạnh vào phủ Thái Nguyên. Tri phủ Trương Hiếu Thuần không chống nổi và bị bắt. Lý Cương bị đàn hặc vì "gây oán với Kim" liền bị đẩy làm tri Dương châu. Các đại thần Lưu Giác, Hồ An Quốc kêu xin cho Cương cũng bị giáng chức.

Bấy giờ các đạo quân do Trương Thúc Dạ, Tiền Cái đều định tới chi viện cho kinh sư. Nhưng Cảnh Nam Trọng và Đường Khắc chủ hòa, nên lại lệnh quân tướng các nơi không được khinh động, còn sai sứ tới trại Kim xin được hòa nghị. Tháng 10 âm lịch, quân Kim lại phá phủ Chân Định, Chủng Sư Đạo giao chiến ở Tỉnh Hình cũng bị thua. Người Kim sai Vương Nhuế đến Biện Kinh trách việc Tống triều thất tín. Lúc này người Kim đánh sang Trung Sơn, hạ Phần châu, Lân châu Bình Định quân chuẩn bị vượt sông. Khâm Tông kinh hãi, lại triệu Chủng Sư Đạo về kinh, nhưng ít lâu sau Sư Đạo qua đời. Lại dùng Phạm Nột lên thay coi giữ Lưỡng Hà, sai sứ giả đồng ý cắt đất. Niêm Một Hát đòi Tống phải cử Khang vương Triệu Cấu tới làm con tin.

Quân Kim biết nhà Tống bạc nhược nên vẫn cứ tấn công. Họ vào phủ Bình Dương, Hoài Đức quân. Niêm Một Hát áp sát Hoàng Hà, tuyên phủ sứ Triết Ngạn Cầu dẫn 10.000 binh ra chống. Một Hát dùng kế khua chiêng múa trống, quân Tống hoảng sợ chạy hết đi. Quân Kim bèn vượt sông. Các tướng Dương Án Anh, Tông Đạo, Vương Tương... bỏ thành mà chạy; Vĩnh An quân và Trịnh châu đều hàng Kim. Vương Vân đi sứ trở về, báo rằng người Kim không nói gì đến tam trấn mà bảo cắt Lưỡng Hà, chia sông để trị. Đình thần tranh cãi một trận, cuối cùng Khâm Tông theo lời Vương Vân, cử Khang vương Cấu đi sứ, hứa cắt đất, dâng tôn hiệu cho vua Kim có 18 chữ, gọi bác xưng cháu.

Cùng lúc đó thì quân cứu viện của Trương Thúc Dạ vào được kinh thành. Trương Thúc Dạ nắm trung quân, lấy con trai Bá Phấn nắm tiền quân, Trọng Hùng nắm hậu quân, cả thảy 3 vạn người lên đường cần vương. Đến Úy Thị, giao chiến với quân Kim đi do thám, vừa đánh vừa tiến. Đây là đội quân Tống duy nhất thành công trong việc chi viện cho kinh thành.

Quân Kim phá Hoài châu, giết tri châu Hoắc An Quốc, tiến đến chân thành Biện Kinh. Đường Khác không có kế nào, khuyên Khâm Tông hãy dời đô về Lạc Dương, nhưng có Trương Thúc Dạ đưa quân tới cứu viện và can ngăn. Sau khi gặp mặt, đề xuất đưa đế đi Tương Dương để tạm tránh thế giặc mạnh, vua đồng ý. Tháng nhuận, đế ở trên thành, xem Thúc Dạ bày trận ở vườn Ngọc Tân, áo giáp sáng ngời, diễu võ dưới thành; đế hài lòng, cho tiến Tư Chánh điện học sĩ, lệnh đưa quân vào thành. Thúc Dạ giao chiến với quân Kim liên tiếp 4 ngày, giết được 2 viên tướng địch có đeo vòng vàng. Đế sai sứ gởi thư có niêm phong sáp, nội dung chép những lời khen ngợi Thúc Dạ, làm hịch cáo với các nơi, nhưng chẳng thấy đội quân nào khác đến cần vương.

Người Kim lại đánh Thiện Lợi môn. Vào tháng nhuận, Đường Khác cùng Khâm Tông tuần thành, quân dân nhà Tống oán hận Đường Khác, liền đổ xô vào tấn công, Khác sợ quá xin từ chức. Lộ quân cần vương của Hồ Trực Nhụ kéo đến, bị người Kim đánh bại và bị giết, chỉ còn lộ quân của Trương Thúc Dạ. Khâm Tông phong ông làm Thiêm thư Xu mật viện sự. Thúc Dạ cùng Phạm Quỳnh cực lực ngăn chặn quân Kim, lại khuyên Khâm Tông dời đô về Tương Dương, ông không theo.

Quân Kim nhiều lần tấn công vào các cửa trong thành Biện Kinh, quân Tống chịu một số thiệt hại. Bên ngoài, người Kim cũng phá được nhiều châu quận ở Hà Bắc. Trong thành, quân Tống vẫn còn khoảng 7 vạn quân, lại có vài chục vạn bá tánh sẵn sàng tiếp ứng. Những thường dân yêu nước đề nghị triều đình phát vũ khí để họ tổ chức các đơn vị dân quân, cùng binh sĩ triều đình chống giặc, nhưng vua Tống nhu nhược, chỉ muốn nghị hòa nên không đồng ý. Ấy vậy nhưng vua Tống lại mê tín, phê chuẩn việc cấp vũ khí cho các nhóm du đãng trong kinh thành, lập ra một đơn vị có 7.777 lính gọi là "Lục giáp binh".

Về sau người Kim đánh một trận lớn vào thành, Lục giáp binh ra chống và bị đánh tan tác. Bấy giờ có Quách Kinh tự xưng biết dùng pháp thuật có thể đánh lui quân Kim, nay Thúc Dạ buộc Kinh ra trận. Kinh liền mở cửa Tuyên Hóa, không giao chiến với quân Kim mà bỏ trốn. Quân Kim thừa thắng tràn qua cửa Tuyên Hóa đánh mạnh vào thành, vào Nam Huân Môn, thống chế Diêu Hữu Trọng tử chiến, Lưu Diên Khánh cũng bị chết; ngoài ra còn có Hà Khánh Ngôn, Trần Khắc Lễ, Hoàng Kim Quốc... Thành Biện Kinh bị vỡ[1]. Đó là ngày 25 tháng 11 nhuận năm Tĩnh Khang thứ nhất, tức 9 tháng 1 năm 1127.

Quân Kim tràn vào thành rồi nhưng thấy quân Tống còn đông, nhiều người dân Tống yêu nước sẵn sàng chống lại nên dừng tiến quân, tiếp tục dùng chiêu bài đòi bồi thường để buộc triều đình Tống phải đầu hàng.

Quân dân và vệ sĩ trong thành hơn 100.000 người hùa nhau giết sứ thần triều Kim, đòi gặp thiên tử. Khâm Tông phải lên lầu úy dụ. Vệ sĩ Tưởng Tuyên muốn dùng vũ lực đuổi họ đo, nhưng Lã Hảo Vấn ngăn lại. Khâm Tông lệnh Hà Trạc và Tế vương Hủ tới trại Kim bàn việc nghị hòa. Niêm Một Hát đòi đích thân thượng hoàng phải ra gặp. Khâm Tông nước mắt lã chã, quyết định đi thay thượng hoàng. Đầu tháng 12, xa giá cùng Hà Trạc, Trần Quá Đình, Tôn Phó cùng đến trại Kim. Người Kim đòi nộp ngàn vạn lạng vàng, hai ngàn vạn lạng bạc, lụa một ngàn vạn tấm; và giữ tất cả các đại thần lại, chỉ thả Khâm Tông về. Khâm Tông trở về thành, khóc mà nói

Tể tướng hại cha con ta rồi[1].

Sau đó ông sai Trần Quá Đình, Triết Ngạn Chất cắt đất Hà Đông, Hà Bắc cho Kim, lạ lệnh Âu Dương Tuân kêu gọi các châu quận đầu hàng. Tuân không phục, bị người Kim bắt giải về Yên Kinh. Một lượng lớn binh sĩ Tống và dân thường vô tội đã bị quân Kim sát hại. Quân Kim cũng cướp bóc lương thực và quần áo, khiến nhiều người dân chết vì đói rét trong mùa đông năm đó.

Tết Nguyên đán năm Tĩnh Khang thứ 2, Khâm Tông triều yết thái thượng hoàng đế ở cung Diên Phúc, sai Tế vương Hủ và Cảnh vương Kỉ đi sứ sang Kim. Chiếu cắt Lưỡng Hà đã ban xuống từ lâu, nhưng dân Lưỡng Hà phần lớn không phục, do vậy người Kim chỉ có được Thạch châu. Người Kim cử người sang nhận vàng lụa nhưng với đòi hỏi quá lớn, triều đình nhà Tống không sao thu gom đủ được. Tới mùng 10, Kim lại sai người đến đòi và bắt Khâm Tông sang bàn lại. Hà Trạc, Lý Nhược Thủy khuyên Khâm Tông nên đi. Khâm Tông bèn để Tôn Phó giúp thái tử giám quốc, còn mình cùng Hà Trạc và Lý Nhược Thủy sang trại Kim. Có Trương Thúc Dạ, Ngô Cách, Đường Khác đều can ngăn, Khâm Tông không nghe. Ngày 11, Khâm Tông xa giá ra khỏi thành, hẹn 5 ngày sau sẽ về[1]. Khi xa giá tới cổng thành, dân chúng ùa ra giữ lấy xin vua ở lại. Phạm Quỳnh rút kiếm ra đe dọa, chém chết mấy người. Khi Khâm Tông đến trại Kim, Niêm Một Hát bắt giữ ông lại và đòi triều Tống nộp đủ số tiền cống. Thái học sinh Từ Quỹ đến trại Kim để rước vua về, bị người Kim giết chết.

Cát địa sứ Lưu Hợp bị người Kim bức bách việc lập vua khác, Hợp không chịu rồi tự sát. Ngày Bính Dần tháng 2 ÂL, tức 20 tháng 3, Kim Thái Tông hạ chiếu phế thượng hoàng và Khâm Tông xuống làm thứ nhân. Sai người vào thành từ cửa Nam Huân, ép các đại thần lập vua họ khác. Ngày 21 tháng 3, Phạm Quỳnh ép thượng hoàng Huy Tông, hoàng hậu cùng phi tần, cung nữ tất tật lên xe tới trại Kim, ép nội thị Đặng Thuật ghi rõ tên từng người trong tông thất, số phi tần ở hậu cung, cộng thêm ghi chép của Từ Bỉnh Triết phủ doãn Khai Phong thì được hơn 3000 người.[1]. Các bảo tỷ, hưng phục, pháp vật, lễ phẩm… của hoàng thất triều Tống cũng bị quân Kim lấy sạch không còn một thứ gì.

Người Kim bức thượng hoàng triệu hoàng hậu, thái tử đến. Tôn Phó giữ thái tử lại không cho đi, nhưng cuối cùng cũng không ngăn được người Kim. Người Kim ép hai vua mặc Hồ phục, Lý Nhược Thủy ôm Khâm Tông mà khóc rồi chửi mắng quân giặc nên bị giết. Niêm Một Hát, Oát Li Bất đòi Vương Thời Ung vào bàn việc lập vua mới, ý của người Kim là lập Trương Bang Xương, nhiều đại thần như Tôn Phó, Trương Thúc Dạ, Trương Tuấn, Triệu Đỉnh, Hồ Dần đều không chịu ghi tên. Có Ngự sử trung thừa Tần Cối bàn rước vua cũ về, người Kim liền bắt giam Tần Cối.

Sau đó Trương Bang Xương được phong làm Sở đế ở Trung Nguyên, Bắc Tống diệt vong (960 - 1127).

Liên quan